image banner
Thành phố: Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm chỉ đạo. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về an toàn thực phẩm và hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Thành phố thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra ATTP tại các cơ sở, sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm

 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 298 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể do thành phố quản lý và 607 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống do phường xã quản lý. Qua các đợt thanh, kiểm tra hầu hết các cơ sở đã thực hiện các tiêu chuẩn, quy định điều kiện về an toàn thực phẩm, đảm bảo cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh; thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian qua thành phố đã tập trung tuyên truyền đến các cơ sở và nhân dân các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy định điều kiện về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 2 cấp; băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, và trên các trang mạng xã hội như: zalo, facebook…. Đồng thời, lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các hội, đoàn thể... để phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Xây dựng các mô hình “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, các bếp ăn tập thể trong các nhà trường, nhà hàng, khách sạn thực hiện theo quy trình “ bếp ăn một chiều” từ nơi tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, nấu và chia thức ăn, thành lập các cửa hàng nông sản sạch, an toàn …v...v.

 Bên cạnh đó, Thành phố cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý Nhà nước; thanh, kiểm tra đột xuất, nhất là các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và Tháng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cung cấp thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố … nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành ( do UBND thành phố, xã phường chủ trì ), tiến hành kiểm tra trên 420 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh đối với 1.585 mẫu thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm và dụng cụ ăn uống. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn đã phát hiện xử lý đối với 10 cơ sở vi phạm với các lỗi: Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị bảo quản thực phẩm dùng ngay không đảm bảo vệ sinh và Bán rượu có nồng độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ mà không đăng ký với phòng Kinh tế theo quy định.

Để công tác an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các phòng, ban, ngành thành phố và các phường, xã tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các bếp ăn tập thể của các trường học; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ./.

Linh Huệ 

  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
BẢN ĐỒ TP NINH BINH




Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1