Toàn cảnh đền thờ vua
Đinh Tiên Hoàng
Đền
thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành tọa lạc tại xã Trường Yên, thành phố
Hoa Lư. Năm 968, Vua Đinh Tiên Hoàng là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân,
lập nên nhà nước Đại Cồ Việt. Sau đó, vua Lê Đại Hành (tức nhà Tiền Lê) tiếp quản.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và
nơi đây trở thành cố đô.
Sau
khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành
được nhà Lý cho xây dựng ngay trên nền đất của kinh thành Hoa Lư xưa. Sau này,
hai ngôi đền được thời Hậu Lê cho xây dựng lại vào thế kỷ 17 theo kiểu nội công
ngoại quốc, mặt ngoài chia thành 5 gian, bên trong đều được sơn son thếp vàng, trang
trí: rồng - mây - hoa - lá... và sân trước có sập rồng bằng đá...
Từ lâu, Đền thờ vua Đinh, vua Lê đã thực sự trở
thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến
đây khách thăm quan sẽ có cơ hội nhìn lại bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc,
chiêm ngưỡng nét đẹp uy nghiêm, cổ kính, linh thiêng của hai ngôi đền được xếp
hạng “Tốp 100 Công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam” và thuộc vùng bảo vệ đặc
biệt được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong quần thể di sản Văn hóa và
Thiên nhiên thế giới danh thắng Tràng An năm 2014.
Trong
những gam màu rực rỡ đón chào năm mới, trước tiên, chúng ta hãy cùng bước vào
không gian cổ kính mà trang nghiêm của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng để khám phá
những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo và cũng là điểm thăm quan yêu
thích của nhiều du khách mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Đền
thờ vua Đinh Tiên Hoàng hay còn gọi là đền Thượng được tọa lạc trên vị trí đắc
địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, nơi có lăng mộ vua Đinh,
phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ
và tôn vinh vị vua tài ba Đinh Bộ Lĩnh, người có công lớn trong việc thống nhất
đất nước và lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.
Đền
vua Đinh Tiên Hoàng mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam với ba tòa
chính là Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Mỗi tòa đều có những nét kiến
trúc độc đáo và ý nghĩa riêng. Bái Đường là nơi diễn ra các nghi lễ cúng tế,
Thiêu Hương là nơi đốt hương và Chính Cung là nơi thờ phụng vua Đinh Tiên
Hoàng. Tượng vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong Chính
Cung, được đúc bằng đồng, cao khoảng 2 mét, nặng gần 1 tấn, là một điểm
nhấn không thể bỏ qua đối với những ai đến thăm đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đứng
trước bức tượng, du khách sẽ cảm nhận được sự vĩ đại của vị vua đã làm nên lịch
sử và góp phần xây dựng nên đất nước Việt Nam ngày nay. Đền thờ vua Đinh Tiên
Hoàng tại Cố đô Hoa Lư hiện nay là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Vua Đinh, cha mẹ
ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh.
Ngày
nay, nơi đền thờ vua vẫn còn đó những cổ vật quý báu như gạch xây cung điện có
khắc chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên", đôi voi chầu, cặp bảo vật
long sàng đá (hay còn gọi là sập đá) được đặt ở vị trí Sân rồng, là một trong
những bảo vật quốc gia quý giá và độc đáo của Việt Nam, được tạc hoàn toàn từ
đá xanh nguyên khối với những đường nét chạm khắc tinh xảo hình rồng uốn lượn,
thể hiện sự uy quyền và sức mạnh của vương quyền. ...
Cặp bảo vật Long sàng
đá, là một trong những bảo vật quốc gia quý giá và độc đáo của Việt Nam
Nằm
cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m về phía Bắc là đền vua Lê hay còn gọi
là đền Hạ – nơi thờ phụng vua Lê Đại Hành, người đã tiếp nối sự nghiệp của
Vua Đinh và có công lớn trong việc “Phá Tống, bình Chiêm” lừng lẫy. Đền được
xây dựng cùng thời điểm và có kiến trúc khá giống với đền Vua Đinh nhưng
có quy mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Đền Vua Lê
không chỉ là nơi thờ tự mà còn là biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần quật
cường của dân tộc.
Giống
với đền vua Đinh, đền vua Lê vẫn giữ nguyên lối kiến trúc, điêu khắc của thời kỳ
Hậu Lê; được xây dựng trên nền của điện Hoa Lư xưa hướng về phía đông; phía trước
đền là khu quảng trường trung tâm cố đô Hoa Lư và núi Đèn, sau đền là hào nước bảo vệ cố đô
chạy dưới chân núi Đìa.
Cùng
với đó, ngôi đền này cũng được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với ba
khu là bái đường, thiêu hương và chính cung. Khu vực bái đường của đền có 5
gian đặt ba tấm biển lớn sơn son thiếp vàng. Kế đến là khu vực Thiêu hương thờ
vị quan có tên là Phạm Cự Lượng - người có công với triều đình. Bên trong cùng
là chính cung, nơi đặt tượng thờ vua Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga và vua Lê
Long Đĩnh.
Nét
độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến
trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ngày nay, nơi đền vua Lê vẫn còn đó những dấu
tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ, điêu khắc công phu và cả dấu tích của
nền cung điện cũ với các món đồ gốm sứ cổ. Các hiện vật quý này bây giờ vẫn
đang được lưu trữ tại phòng bảo tàng phía trái đền.
Để
tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành
trong công cuộc dựng nước và giữ nước, hàng năm tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ hội
Hoa Lư (hay dân gian còn gọi là lễ hội Trường Yên) vào ngày mùng 10 tháng 3 âm
lịch tại Cố đô Hoa Lư, nơi tọa lạc của hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê,
cùng các nhân vật lịch sử có liên quan đến hai triều đại Đinh - Tiền Lê
Lễ
hội là sự kế tục, phát huy những tinh hoa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể,
mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, nhân văn sâu sắc và bao gồm hai phần: phần lễ và
phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, bao gồm các nghi lễ truyền thống:
Lễ mở cửa đền, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng, tế
lễ cổ truyền nhằm nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; tôn vinh tri ân công đức
của các bậc đế vương và các bậc Tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thể
hiện nguyện ước của nhân dân cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,…
Phần
hội gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, du lịch được tổ chức sôi nổi
như: Giao lưu liên hoan các đội Kèn đồng; biễu diễn Trống hội và Cồng chiêng; đấu
Vật dân tộc và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như chọi gà, bắn nỏ, thi chèo
thuyền khéo; các hoạt động quảng bá du lịch,..
Vào
dịp này, người dân địa phương cùng du khách thập phương đổ về khu di tích Cố đô
Hoa Lư để tham dự lễ hội, dâng hương tại đền thờ của 2 vị vua, cầu mong sức khoẻ,
bình an, may mắn cho bản thân, gia đình và cầu cho đất nước được thái bình, mưa
thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân được ấm no hạnh phúc...
Nhắc
đến lễ hội Hoa Lư ở phủ Trường Yên xưa dân gian có câu:
"Ai
là con cháu rồng tiên
Tháng
Ba mở hội Trường Yên thì về".
Lễ
hội Hoa Lư (hay lễ hội Trường Yên) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Là một trong những lễ hội lớn nhất ở Ninh Bình nói riêng và ở Việt Nam nói
chung. Du xuân Ninh Bình và ghé thăm đền vua Đinh, vua Lê là hành trình về với
cội nguồn, nơi hội tụ vẻ đẹp của lịch sử, thiên nhiên và con người. Đặc biệt,
mùa xuân năm nay, cùng với nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, những người
con của vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử cũng hào hứng với tâm thế đón chào mùa
xuân của thành phố mới - thành phố Hoa Lư, đánh dấu sự khởi đầu cho một hành
trình mới, hành trình hiện thực hóa khát vọng về một đô thị di sản, văn minh,
hiện đại, xứng tầm với vị thế lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa
linh nhân kiệt.
Ngọc
Nhung