image banner
Thành phố Ninh Bình: tập trung cao cho công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Trong thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường thực hiện các nhiệm vụ về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với những việc làm cụ thể, thiết thực. Bên cạnh việc việc xây dựng và ban hành hơn 100 văn bản, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, UBND Thành phố Ninh Bình còn thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Ninh Bình. Tổ chức thí điểm chuyển đổi số cấp xã ( đối với xã Ninh Tiến) và triển khai thực hiện mô hình Chuyển đổi số các xã, phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình (phiên bản 1.0). Chỉ đạo các xã, phường thành lập 183 tổ công nghệ cộng đồng tại 183 tổ dân phố trên địa bàn

 

 

Công dân đến làm việc tại trung tâm một cửa liên thông thành phố Ninh Bình

 Do có những việc làm và giải pháp tích cực, đến nay trên 80% hồ sơ công việc tại UBND thành phố và 60% hồ sơ công việc tại các xã, phường được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% cán bộ công chức tại các phòng, ban, các đơn vị, UBND các xã, phường được cấp và thường xuyên sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ trong hoạt động công vụ, nghiệp vụ và chữ ký số. 62.22% dịch vụ công đáp ứng yêu cầu, được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã tiến hành số hóa 176.003 thủ tục hành chính tương đương 63.630 trang A4 TTHC bản giấy còn hiệu lực đang lưu trữ tại các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường giai đoạn 2016-2021 theo đúng lộ trình của tỉnh đề ra; Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. Trang thông tin điện tử của thành phố, các phường, xã; các Fanpage Công an thành phố, Thành đoàn Ninh Bình, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố, UBND các xã, phường được duy trì, hoạt động có hiệu quả phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Do đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số nên đến nay 90% người dân của thành phố được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh (dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…). Đã triển khai trung tâm chỉ huy điều hành giao thông thông minh để quản
lý toàn bộ camera giám sát của thành phố; hoàn thành lắp đặt 26 mắt camera thông
minh tại 8 nút giao thông phạt nguội. Đặc biệt, đã kết nối camera an ninh về trụ sở công an các xã, phường .

Trong tháng thanh niên năm nay, với chủ đề “ tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, Thành đoàn Ninh Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn
triển khai hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống Dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính; cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số VNEID và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng mã QR code giới thiệu quảng bá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

 Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của thành phố như: Cơm cháy, ngô nếp tươi sấy (Công ty cổ phần sinh hoá Ninh Bình), trà Hoa cúc (Hợp tác xã Riti), thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn, tinh bột sắn dây Ninh Nhất đã tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước (Sendo, Tiki, Lazada ...) và trang thông tin điện tử của thành phố.

Đặc biệt, ngành giáo dục đào tạo thành phố đã triển khai mô hình phòng học thông minh tại 06 trường tiểu học Vân Giang, Tân Thành, Đông thành, Nam Bình,Ninh Phong, Phúc Thành; đẩy mạnh triển khai dạy và học về STEM/STEAM trong các trường học, cơ sở giáo dục tiểu học và THCS. Triển khai các ứng dụng, nền tảng số phục vụ quản trị trường học theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo….v..v…đồng thời, triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GDĐT đến 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Song song với đó, thực hiện đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã tiến hành cấp CCCD gắn chíp 4 và định danh điện tử cho đối tượng công dân từ 18 đến 22 tuổi, đối tượng chính sách, đối tượng là công nhân, viên chức và từ 23 tuổi trở lên; đến nay đã thu nhận 107.183 hồ sơ (đạt 97% so với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố); 25.023 hồ sơ định danh điện tử.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên hệ thống Đài truyền thanh, Trang thông tin điện tử, các trang fanpage… Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường căn cứ các nhiệm vụ đã được phân công, để xây dựng Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng hàng năm đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. /.

Lê Thúy

  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
BẢN ĐỒ TP NINH BINH




Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1