MTTQ các cấp thành phố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết, của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, những ngày qua, cùng với việc tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) năm 2023, UBMTTQ thành phố và các phường, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân để mọi người dân cùng nắm được những điểm mới trong dự thảo Luật, tham gia góp ý, nêu lên những tâm tư, nguyện vọng của cá nhân vào dự thảo Luật lần này.  

Người dân quan tâm, nghiên cứu các điểm mới về dự thảo Luật đất đai ( sửa đổi)

Quan tâm đến công tác đền bù khi bị thu hồi đất phục vụ dự án, ông Nguyễn Trọng Bình (phố Lê Lợi- phường Nam Bình)  thường xuyên theo dõi, tìm hiểu và nghiên cứu các điểm mới trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, được UBMTTQ phường Nam Bình cùng Ban CTMT phố đến tận nhà để tuyên truyền, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật , ông Bình cho rằng : việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật là minh chứng cho thấy Nhà nước luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật.

Được biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều đang được tổ chức lấy ý kiến nhân theo nhiều hình thức đa dạng, thực chất theo yêu cầu Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170 của Chính phủ. 9 nội dung trọng tâm lấy ý kiến gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.

Theo đó, nhằm đẩy mạnh triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố tuyên truyền, đăng tải Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên hệ thống truyền thanh, trên Trang thông tin điện tử thành phố Ninh Bình để lấy ý kiến Nhân dân.

 Bên cạnh đó, để bộ luật khi ban hành ra phải đáp ứng kỳ vọng nhân dân, mỗi người dân đều hiểu và áp dụng được, UBMTTQ TP cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân  để nhân dân nắm rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật.

Tính đến nay,  MTTQ các cấp thành phố đã tổ chức 15 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm: 1 hội nghị do MTTQ thành phố tổ chức, 14 hội nghị do MTTQ 14 xã, phường tổ chức. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với bố cục, kết cấu, nội dung của dự thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tham gia đều đánh giá cao chủ trương của Đảng, Nhà nước về sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng thời khắc phục, giải quyết nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2013.

Do có sự tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo luật đất đai ( sửa đổi ) của MTTQ các cấp thành phố, nên đến nay đã có 210 ý kiến tham gia góp ý của nhân dân; 30 ý kiến tham gia góp ý của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQVN thành phố và thành viên Ban Tư vấn của MTTQ thành phố, 8 ý kiến phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến do Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố tổ chức. Việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật là minh chứng cho thấy Nhà nước luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật. Qua đó góp phần quan trọng đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Linh Huệ 

BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH






Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 178
  • Trong tuần: 13,631
  • Tất cả: 2,425,077