Không khí sản xuất ở làng nghề
mộc truyền thống Phúc Lộc những ngày giáp tết sôi động và nhộn nhịp
Về
làng nghề mộc Phúc Lộc (phường Ninh Phong) vào những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm
nhận rõ không khí mùa xuân đang hiện rõ trên khuôn mặt rạng ngời của những người
lao động bình dị. Từ xa đã thấy văng vẳng tiếng máy xẻ, máy cưa, tiếng đục, đẽo
và khắp các con ngõ phố, đâu đâu cũng trắng
xóa bụi cắt của gỗ. Là làng nghề hoạt động lâu năm, nghề mộc nơi đây là nguồn sống,
nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Đến
thăm xưởng sản xuất của gia đình ông Phạm Văn Dần ( phố Tương Lai) là một trong
những cơ sở sản xuất mộc luôn được khách hàng đánh giá cao, tin tưởng. Trước
đây cũng như các cơ sở sản xuất khác của làng nghề, cơ sở của ông chỉ tập trung
sản xuất các hàng mộc dân dụng như: Bàn ghế, giường, tủ, cầu thang… nhưng do thị
hiếu của thị trường và khách hàng, cơ sở của gia đình ông đã tìm tòi, chuyển đổi
và mở rộng sản xuất thêm một số mặt hàng mộc mỹ nghệ cao cấp như làn nhà cổ,
nhà gỗ, đồ trang trí nội thất. Với các sản phẩm này mỗi năm đem lại cho gia
đình ông một nguồn thu nhập khoảng từ 15-20 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của
gia đình còn tạo việc làm thường xuyên 30 lao động với mức thu nhập bình quân
khoảng 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Ông
Phạm Ngọc Vũ- Phố Phong Lộc, phường Ninh Phong là 1 trong 6 nghệ nhân nghề mộc
làng nghề truyền thống Phúc Lộc cho biết: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình
có truyền thống làm nghề mộc, ngay từ khi còn nhỏ ông Vũ đã được làm quen với
cái cưa, cái đục. Năm 13 tuổi, ông chính thức học nghề mộc từ người cậu của
mình . Nhờ sự yêu nghề, ham học hỏi, trải qua thời gian gắn bó với nghề truyền
thống của quê hương, ông được tỉnh công nhận là nghệ nhân năm 2007.
Ông Phạm Ngọc Vũ (là 1 trong 6 nghệ nhân nghề mộc làng nghề truyền thống
Phúc Lộc) bên những tác phẩm của mình
Làng nghề mộc truyền thống phúc Lộc
đã có từ lâu đời và được UBND tỉnh công nhận từ năm 2006. Hiện nay,
làng nghề có trên 120 hộ làm nghề, trong đó có
21 doanh nghiệp với quy mô lớn, trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện
đại. Hàng năm, doanh thu của làng nghề mộc Phúc Lộc đạt hàng trăm tỷ đồng, tạo
việc làm cho trên 1000 người, trong đó 2/3 là lao động thường xuyên với mức thu
nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Trong
những năm qua, làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương
phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,
giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.
Bên
cạnh đó, để tăng giá trị sản phẩm, các hộ kinh doanh cũng đã đầu tư nhiều máy
móc, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân
tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó sản phẩm xuất ra vẫn
giữ được vẻ đẹp tinh xảo, truyền thống nhưng cũng phù hợp với thị hiếu người tiêu
dùng hiện đại. Nhờ có hướng đi phù hợp, các hộ làm nghề phát triển ổn định, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ
cấu kinh tế và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương .
Một mùa xuân mới đã về, những người dân làng nghề
Phúc Lộc bằng chính đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình đang chung tay góp sức
phấn đấu đưa làng nghề truyền thống tiếp tục gìn giữ tinh hoa truyền thống và
đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương ./.
Linh Huệ